Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là gì? Các công bố khoa học về Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa

Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là dạng phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp, chiếm khoảng 90% các trường hợp. Bệnh gồm hai loại chính là carcinom thể nhú và thể nang, phát triển từ tế bào biểu mô tuyến giáp và thường có tiên lượng tốt. Nguyên nhân chưa rõ nhưng có các yếu tố nguy cơ như phơi nhiễm bức xạ, tiền sử gia đình và yếu tố di truyền. Triệu chứng thường không rõ ràng, được chẩn đoán qua siêu âm, xét nghiệm máu, CT, MRI và sinh thiết. Điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật, i-ốt phóng xạ và hormone; tiên lượng thường khả quan với tỷ lệ sống 10 năm trên 90% nếu phát hiện sớm.

Ung Thư Tuyến Giáp Thể Biệt Hóa: Tổng Quan và Cập Nhật Mới Nhất

Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là một trong những dạng phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp, chiếm khoảng 90% các trường hợp. Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu các thông tin chi tiết về bệnh lý này, từ nguyên nhân, triệu chứng đến các phương pháp điều trị và tiên lượng.

Định Nghĩa và Phân Loại

Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bao gồm hai loại chính: carcinom thể nhú (papillary carcinoma) và carcinom thể nang (follicular carcinoma). Cả hai loại đều có điểm chung là phát triển từ tế bào biểu mô tuyến giáp và thường có tiên lượng tốt.

  • Carcinom thể nhú: Loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các ca bệnh. Đặc điểm nổi bật là có xu hướng di căn đến hạch bạch huyết vùng cổ.
  • Carcinom thể nang: Ít phổ biến hơn, chiếm khoảng 10-15% các trường hợp. Loại này dễ lan rộng qua đường máu và gây di căn xa, thường là đến phổi hoặc xương.

Nguyên Nhân và Yếu Tố Nguy Cơ

Hiện nay, nguyên nhân chính xác của ung thư tuyến giáp thể biệt hóa vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã xác định một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Phơi nhiễm bức xạ: Tiếp xúc với bức xạ, đặc biệt là trong thời thơ ấu.
  • Tiền sử gia đình: Gia đình có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp hoặc các loại ung thư khác.
  • Yếu tố di truyền: Một số đột biến gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Triệu Chứng và Chẩn Đoán

Nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp thể biệt hóa không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Nốt tuyến giáp to ra.
  • Khó nuốt hoặc khó thở.
  • Khàn tiếng, ho không khỏi.

Chẩn đoán thường dựa vào các phương pháp như siêu âm, xét nghiệm máu, chụp CT, MRI và sinh thiết tế bào bằng kim nhỏ (FNA).

Điều Trị và Tiên Lượng

Phần lớn bệnh nhân có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Các phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm:

  • Phẫu thuật: Cắt bỏ tuyến giáp hoặc một phần tuyến giáp bị ảnh hưởng.
  • Điều trị bằng i-ốt phóng xạ: Sử dụng để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.
  • Điều trị hormone: Để ngăn chặn sự kích thích phát triển của tế bào ung thư.

Tiên lượng cho ung thư tuyến giáp thể biệt hóa thường là khả quan, đặc biệt khi được phát hiện sớm. Tỷ lệ sống tới 10 năm đối với bệnh nhân thường trên 90%.

Kết Luận

Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tuy nguy hiểm nhưng khi được phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi rất cao. Nhận thức tốt về các triệu chứng và yếu tố nguy cơ là điều cần thiết để có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Danh sách công bố khoa học về chủ đề "ung thư tuyến giáp thể biệt hóa":

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa kháng 113I
Mục tiêu: Đánh giá một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng trên các bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa kháng 131I. Đối tượng và phương pháp: 123 bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp biệt hóa bằng kết quả mô bệnh học là thể biệt hoá đã được phẫu thuật cắt gần hoàn toàn hoặc hoàn toàn tuyến giáp, vét hạch cổ và được điều trị bằng 131I và được xác định kháng với 131I. Kết quả: Bệnh nhân có tuổi trung bình 43,85 ± 14,27 năm, tỷ lệ nữ/nam là 3,1/1. Có 54,5% bệnh nhân ở giai đoạn I; 8,9% ở giai đoạn II, giai đoạn III có 2,4% và 26,8% bệnh nhân ở giai đoạn IV. Trung vị thời gian từ khi được chẩn đoán đến khi xác định kháng 131I là 25,4 tháng. Số lần điều trị 131I trung bình trước khi được chẩn đoán kháng 131I là 2,76 ± 1,3 với tổng liều trung bình là 358,6mCi. Mô bệnh học có 95,9% là thể nhú và 4,4% là thể nang. Xét nghiệm Tg huyết thanh cao và không giảm so với trước điều trị 131I. 39,8% số bệnh nhân kháng 131I được phân loại thuộc vào nhóm I; 48% thuộc nhóm II, nhóm III và nhóm IV có tỷ lệ lần lượt là 3,3% và 8,1%. 79,7% số bệnh nhân có 1 vị trí tổn thương kháng 131I. Vị trí tổn thương hay gặp nhất là hạch vùng cổ, chiếm 74,1%, 17,9% tổn thương tại giường tuyến giáp, 13,8% có tổn thương tại giường tuyến giáp kết hợp với các vị trí khác như hạch cổ, phổi. Kết luận: Ung thư tuyến giáp biệt hoá kháng 131I thường gặp ở thể nhú, sau điều trị 131I với các tổn thương tái phát tại giường tuyến giáp, di căn hạch cổ hoặc kết hợp với di căn xa ở nhiều vị trí.
#Ung thư tuyến giáp biệt hoá #kháng 131I
Tình trạng di căn hạch của ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ở nam giới
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá tình trạng di căn hạch trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ở nam giới tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nghiên cứu tiến cứu trên 102 bệnh nhân nam giới ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ tháng 7/2018 đến tháng 08/2020. Độ tuổi trung bình là 40,9 ± 13,0 tuổi. Khối u chủ yếu ở 1 thùy (79,4%), kích thước ≤ 1cm (65,7%). Đánh giá trên siêu âm chủ yếu là TIRADS 4 (66,6%), tỉ lệ chọc hút tế bào kim nhỏ chẩn đoán ác tính 74,5%. Đa số các bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp (67,6%). Tỉ lệ di căn hạch chung là 59,8%, tỉ lệ di căn hạch cổ nhóm 6 đơn thuần và kèm theo hạch cổ bên lần lượt là 56,1% và 33,3%. Tỉ lệ di căn hạch tiềm ẩn là 47,1%. Các yếu tố:  kích thước u > 1cm, ung thư hai thùy, u phá vỡ vỏ xâm lấn ra ngoài tuyến liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng di căn hạch (p < 0,05).
#ung thư tuyến giáp thể biệt hóa #nam giới #di căn hạch
KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA SAU PHẪU THUẬT BẰNG 131I TẠI TRUNG TÂM UNG BƯỚU THÁI NGUYÊN
TÓM TẮTMục tiêu: 2. Đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau mổ bằng 131I. 2. Nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị.Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến hành trên 87 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được điều trị tại Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên từ năm 2011 đến năm 2018.Kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân là 47,3 ± 12,7, nữ : nam = 4,8 : 1. 67 % ung thư tuyến giáp là thể nhú, 63,2 % chưa có di căn, 32,2 % di căn hạch cổ, 4,6 % có di căn xa. 95,4 % ở giai đoạn I, II và III. Mô giáp sót lại sau mổ trung bình là 3,52 ±1,73 g. Bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn sau điều trị 1, 2, 3 và trên 3 liều 131I là 60,9 % ,79,3 %, 87,4 % và 92 %. Tổng liều điều trị trung bình chúng tôi đã sử dụng là 112,5 ± 31,2 mCi, số lần điều trị trung bình là 1,83 ± 0,3 lần. Ở bệnh nhân chưa có di căn xa, liều 131I từ 30 – 50 mCi có giá trị hủy mô giáp còn sót như liều 100 mCi. Kết quả điều trị ở bệnh nhân < 45 tuổi tốt hơn ≥ 45 tuổi,bệnh nhân chưa có di căn và di căn hạch cổ tốt hơn có di căn xa, giai đoạn I, II, III tốt hơn giai đoạn IV, bệnh nhân có: mô giáp còn sót < 2 g tốt hơn mô giáp sót ≥ 2 g, Tg < 10 ng/dL tốt hơn Tg ≥ 10 ng/dL, TgAb < 100 IU/mL tốt hơn TgAb ≥ 100 IU/mL.Kết luận: Liều 131I thấp (30 –50 mCi) có hiệu quả điều trị tương tự liều cao (100 mCi) ở bệnh nhân chưa có di căn xa. 60,9% bệnh nhân có kết quả tốt ngay sau 1 liều 131I. Với liều điều trị trung bình cho một bệnh nhân là 112,5 ± 31,2 mCi, sau 1,83 ±0,3 lần điều trị, 92 % trường hợp đáp ứng hoàn toàn. Bệnh nhân trẻ hơn 45 tuổi, chưa có di căn xa, ung thư ở các giai đoạn sớm, mô giáp còn sót ít sau mổ, nồng độ Tg, TgAb thấp có đáp ứng với phương pháp điều trị tốt hơn.
#Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa #131I #Thyroglobulin #Anti Thyroglobulin #xạ hình toàn thân
NHẬN XÉT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ GIAI ĐOẠN SAU PHẪU THUẬT Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA ĐIỀU TRỊ I-131 TẠI BỆNH VIỆN UNG BƯỚU CẦN THƠ
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 540 Số 2 - Trang - 2024
Mục tiêu: Nghiên cứu mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và giai đoạn sau phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tại bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu trên 257 bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa điều trị I-131 tại bệnh viện Ung bướu Cần Thơ từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2022. Kết quả: Tỉ lệ nữ mắc bệnh cao gấp 11 lần nam giới, tuổi trung bình là 44,5 ± 11,8. Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là sờ thấy khối u vùng cổ. Kết quả mô bệnh học chiếm cao nhất là ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú. Giai đoạn bệnh sau phẫu thuật chiếm tỉ lệ cao nhất là giai đoạn I. Trung vị nồng độ Tg sau phẫu thuật là 6,6 ng/ml. Có 1.6% bệnh nhân thay đổi giai đoạn sau điều trị I-131
#đặc điểm ung thư tuyến giáp #điều trị I-131
NHẬN XÉT GIÁ TRỊ THYROGLOBULIN TRONG MÁU Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA ĐƯỢC PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 103
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 505 Số 1 - 2021
Mục tiêu: Nồng độ Thyroglobulin huyết thanh được sử dụng để theo dõi sự tái phát hoặc tiến triển của ung thư tuyến giáp biệt hóa. Vai trò của việc định lượng thyroglobulin trước phẫu thuật còn chưa rõ ràng. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm góp phần đánh giá nồng độ thyroglobulin trước phẫu thuật và mối liên quan với một số yếu tố ở người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang; Dữ liệu được thu thập bao gồm nhân khẩu học, thyroglobulin trước phẫu thuật, kích thước u, tình trạng di căn hạch cổ và giai đoạn bệnh. Kết quả: Nồng độ thyroglobulin trung bình là 49,02 ± 78,71 ng/ml. Có 33,3% bệnh nhân có thyroglobulin huyết thanh cao hơn giá trị bình thường. Mức tăng thyroglobulin huyết thanh trước phẫu thuật liên quan có ý nghĩa thống kê đến kích thước nhân tuyến giáp, giai đoạn T với p<0,01; không có liên quan đến tình trạng di căn hạch vùng cổ và bệnh viêm tuyến giáp kết hợp. Kết luận: Nồng độ thyroglobulin huyết thanh trước phẫu thuật có mối tương quan với kích thước và giai đoạn u nguyên phát.
#Ung thư tuyến giáp #thyroglobulin
GIÁ TRỊ SIÊU ÂM TRONG CHẨN ĐOÁN HẠCH CỔ DI CĂN Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA SAU PHẪU THUẬT VÀ ĐIỀU TRỊ 131I
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 508 Số 1 - 2022
Mục đích: Mục đích của nghiên cứu là xác định giá trị của siêu âm B Mode và Doppler màu trong chẩn đoán di căn hạch cổ ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau phẫu thuật và điều trị 131I. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu kết hợp tiến cứu, mô tả cắt ngang 61 bệnh nhân với 123 hạch cổ. Bệnh nhân được phẫu thuật vét hạch làm mô bệnh học tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021. Kết quả: Chúng tôi đã tiến hành siêu âm ở 123 hạch vùng cổ. Đối chiếu với kết quả giải phẫu bệnh, có 73 hạch di căn, 50 hạch không di căn. Hình dạng tròn, mất rốn hạch, hồi âm, vôi hóa và mạch máu bất thường gặp ở hạch di căn hơn so với hạch không di căn, trong khi ranh giới và kích thước không khác biệt đáng kể. Độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm, độ chính xác của phương pháp siêu âm 2D kết hợp siêu âm Dopper lần lượt là 90,4%, 84 %, 89,2%, 85,7% và 87,8%. Kết luận: Trong nghiên cứu này, siêu âm 2D kết hợp siêu âm Doppler màu có giá trị rất cao trong chẩn đoán hạch cổ ác tính. Việc thực hiện siêu âm đánh giá hạch cổ góp vai trò giảm thiểu nhu cầu chọc tế bào/ sinh thiết hạch cổ lành tính.
#siêu âm B-mode #siêu âm Doppler màu #ung thư tuyến giáp #di căn hạch
Kết quả phẫu thuật nội soi cắt một thùy tuyến giáp điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa nguy cơ thấp tại Bệnh viện Nội tiết trung ương
  Đặt vấn đề: Phẫu thuật nội soi (PTNS) tuyến giáp mới được thực hiện ở một số trung tâm lớn ở một số bệnh nhất định của tuyến giáp với số lượng còn rất hạn chế. Nghiên cứu đánh giá kết quả ban đầu ứng dụng PTNS điều trị ung thư tuyến giáp (UTTG) thể biệt hóa nguy cơ thấp. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả tiến cứu theo dõi dọc. Bệnh nhân (BN) UTTG thể biệt hóa nguy cơ thấp điều trị PTNS cắt một thùy tuyến giáp (không nạo vét hạch) theo kỹ thuật của Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Thống kê các chỉ tiêu nghiên cứu về đặc điểm bệnh lý, kỹ thuật mổ, kết quả sớm. Kết quả: từ 7/2019 đến 2/2020 có 85 BN được lựa chọn. Tuổi trung bình 32,9 ± 7,1 (16-45). Nữ có 71 BN (83,5%). Kích thước trung bình u 6,7 ± 2,2mm. Thời gian mổ trung bình 48,2 ± 7,5 phút. 73 BN UTTG thể nhú, 12 BN UTTG thể nang. Có 1 BN chảy máu sau mổ, không có BN nào phải chuyển mổ mở, không có BN suy cận giáp hay tổn thương thần kinh thanh quản quặt ngược tạm thời.Kết luận: PTNS cắt một thuỳ tuyến giáp không nạo vét hạch là an toàn và hiệu quả trong điều trị UTTG thể biệt hóa nguy cơ thấp
#ung thư tuyến giáp biệt hóa #phẫu thuật tuyến giáp nội soi # #nguy cơ thấp
ĐẶC ĐIỂM HÌNH ẢNH VÀ GIÁ TRỊ CHẨN ĐOÁN CỦA 18F-FDG PET/CT Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA SAU PHẪU THUẬT CÓ THYROGLOBULIN CAO VÀ XẠ HÌNH TOÀN THÂN VỚI 131I ÂM TÍNH
TÓM TẮTMục tiêu:Tìm hiểu đặc điểm hình ảnh và giá trị chẩn đoán của 18F-FDG PET/CT ở bệnh nhân (BN) ung thư tuyến giáp (UTTG) biệt hóa sau phẫu thuật có thyroglobulin (Tg) cao và xạ hình toàn thân (XHTT) với 131I âm tính. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 109 BN UTTG biệt hóa sau phẫu thuật. BN được chụp 18F-FDG PET/CT phát hiện tổn thương tái phát, di căn. Đối chiếu kết quả PET/CT với kết quả mô bệnh học và theo dõi lâm sàng sau chụp PET/CT để xác định giá trị chẩn đoán của PET/CT.Kết quả: PET/CT phát hiện được 294 tổn thương với kích thước và SUV trung bình tương ứng là 14,0 mm và 9,3 g/ml. Vị trí tổn thương được phát hiện nhiều nhất là hạch cổ, trung thất, giường tuyến giáp và phổi. 78% BN có kết quả PET/CT dương tính với tỷ lệ dương tính thật, dương tính giả, âm tính thật và âm tính giả tương ứng là 92,9; 7,1; 75 và 25%. PET/CT có độ nhạy, đặc hiệu, và độ chính xác trong chẩn đoán UTTG tái phát di căn tương ứng là 92,9; 75 và 89%. SUVmax 5,6 ng/ml là ngưỡng chẩn đoán UTTG tái phát, di căn phù hợp nhất.Kết luận: 18F-FDG PET/CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giá trị trong phát hiện tái phát, di căn ở BN UTTG biệt hóa sau phẫu thuật có Tg cao và XHTT với 131I âm tính.
#18F-FDG PET/CT #ung thư tuyến giáp biệt hóa #thyroglobulin cao #xạ hình toàn thân với I âm tính
CHỈ ĐỊNH PHẪU THUẬT MỔ MỞ CẮT MỘT THÙY TRONG UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT TRUNG ƯƠNG
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 518 Số 1 - 2022
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là bệnh lý ác tính hay gặp nhất trong các tuyến nội tiết, phẫu thuật mở cắt thùy tuyến giáp ở giai đoạn sớm thường được chỉ định. Mục tiêu: Mô tả chỉ định phẫu thuật mổ mở cắt một thùy trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả hồi cứu kết hợp tiến cứu trên 80 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị cắt một thùy trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tại Bệnh viện Nội tiết Trung Ương từ tháng 01/2021 đến tháng 3/2022. Kết quả: Nữ giới chiếm 90%. Tuổi mắc trung bình: 40,29 ± 9,37, phân bố độ tuổi của bệnh nhân chiếm tỉ lệ cao nhất là nhóm tuổi 31-50. Lý do bệnh nhân vào viện là sau đi khám sức khỏe định kỳ phát hiện ra u tuyến giáp chiếm tỉ lệ cao 88,8%. Tỉ lệ khám phát hiện thấy u tuyến giáp chiếm tỷ lệ 21,2%, khám thấy u ở thùy trái tương đương thùy phải với tỷ lệ là 47,1% và 52,9%. Siêu âm tuyến giáp TIRADS 4 và TIRADS 5 chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt chiếm 45% và 53,7%. Kích thước khối u trung bình: 0,6±0,19cm; u nhỏ nhất là 0,3cm, lớn nhất là 1cm. Ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm phần lớn có 75 bệnh nhân với tỷ lệ 93,8%, có 5 bệnh nhân là UTTG thể nang, chiếm 6,2%. 1 bệnh nhân nói khàn chiếm tỷ lệ 1,2%, không gặp các biến chứng khác. Kết luận: Bệnh nhân ở giai đoạn 1 với kích thước u ≤ 1cm, chưa xâm lấn vỏ bao tuyến giáp, chưa có di căn hạch giúp cho việc phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp triệt để, an toàn, giảm nguy cơ tái phát.
#Ung thư tuyến giáp #cắt thùy tuyến giáp #ung thư giai đoạn sớm
ĐẶC ĐIỂM HÌNH ẢNH SIÊU ÂM CỦA HẠCH CỔ DI CĂN Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA SAU PHẪU THUẬT VÀ ĐIỀU TRỊ 131I
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 508 Số 1 - 2022
Mục đích: Mục đích của nghiên cứu là đánh giá các đặc điểm siêu âm của hạch cổ di căn ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau phẫu thuật và điều trị 131I. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu kết hợp tiến cứu, mô tả cắt ngang 61 bệnh nhân với 123 hạch cổ. Bệnh nhân được phẫu thuật vét hạch làm mô bệnh học tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021. Kết quả: Chúng tôi đã tiến hành siêu âm ở 123 hạch vùng cổ. Đối chiếu với kết quả giải phẫu bệnh, có 73 hạch di căn, 50 hạch không di căn. Hình dạng tròn, mất rốn hạch, hồi âm, vôi hóa và mạch máu bất thường gặp ở hạch di căn hơn so với hạch không di căn, trong khi ranh giới và kích thước không khác biệt đáng kể. Kết luận: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các đặc điểm trên siêu âm về hình dạng tròn, hồi âm, vôi hóa, mất rốn hạch và tăng sinh mạch bất thường là những tiêu chuẩn siêu âm hữu ích để phân biệt giữa các hạch cổ di căn và không có di căn trên bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa đã phẫu thuật và điều trị 131I.
#siêu âm B-mode #siêu âm Doppler màu #mô bệnh học #di căn hạch
Tổng số: 42   
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5